Không công ty Mỹ nào kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc như Apple. Apple đã thu về 44 tỷ USD doanh thu ở Trung Quốc trong năm tài chính 2019, chủ yếu là từ việc bán iPhone. Doanh thu này nhiều hơn mức doanh số toàn cầu của United Airlines và Nike, tương đương như Tencent, một gã khổng lồ công nghệ trong nước. Rất ít quốc gia có nhiều quyền lực để định hình vận may của Apple như Trung Quốc hiện nay.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm tổn hại cả hoạt động sản xuất lẫn bán iPhone trên thị trường lớn thứ hai của Apple. Nhiều người lao động nhập cư mà Apple và các đối tác sản xuất hợp đồng của hãng vẫn chưa quay trở lại làm việc. Người mua hàng thì chưa trở lại đường phố. Do đó, vào ngày 17/2, Apple đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ sẽ bỏ lỡ mục tiêu doanh thu trong quý này. Cổ phiếu của công ty, sau khi tăng giá từ mùa hè năm ngoái, đã giảm gần 2% sau công bố này.
Tài sản Trung Quốc của Apple được xây dựng trong nửa đầu thập kỷ qua, khi doanh thu tại nước này tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2010 lên 59 tỷ USD năm 2015. Doanh số đã giảm trong những năm tiếp theo (xem biểu đồ), nhưng vẫn đủ khiến thị trường Trung Quốc chiếm 18% tổng doanh thu của Apple trong 10 năm qua, chỉ đứng sau Mỹ.
Apple nói rằng họ đang dần mở cửa lại các cửa hàng bán lẻ của mình cũng như các cơ sở sản xuất iPhone cũng đã mở cửa trở lại, mặc dù việc này đang diễn ra chậm hơn so với dự đoán. Ngay cả khi sự bùng phát virus không quá lớn thì thập kỷ này cũng không phải những điều tốt đẹp với Apple.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vốn đang bị đe dọa bởi xung đột với Mỹ về thương mại và công nghệ. Cuộc chiến thương mại cũng có thể đã làm phá hủy thương hiệu Apple. Số lượng iPhone được bán tại Trung Quốc đang giảm mạnh. Quan trọng hơn là chiến lược tăng doanh thu bằng cách bán dịch vụ theo thuê bao của Apple phức tạp hơn nhiều so với việc bán iPhone. Động cơ tăng trưởng của Apple có thể không chỉ im lìm mà còn tuyệt chủng.
Bắt đầu với chuỗi cung ứng. Apple phụ thuộc sâu sắc vào hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc. Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp lao động và cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất hàng trăm nghìn thiết bị mỗi ngày, khối lượng Apple phải sản xuất trong thời gian cho ra mắt dòng điện thoại mới. Trong thời gian bùng nổ của Apple ở Trung Quốc, Foxconn - nhà sản xuất Đài Loan đã thúc đẩy việc xây dựng một khu công nghiệp mới gần Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam chỉ để hỗ trợ sản xuất iPhone. Không có nhà sản xuất nào có thể tiến gần đến quy mô đó. Chính quyền địa phương cũng đã bỏ ra 1,5 tỷ USD để giúp xây dựng nhà máy và nhà ở cho 400.000 công nhân và 10 tỷ USD cho một sân bay mới.
Sự phụ thuộc đó khiến cơ sở sản xuất của Apple bị ảnh hưởng trước cuộc xung đột kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến dịch vận động hành lang thông minh từng giữ các sản phẩm của hãng bên ngoài chế độ thuế quan của Mỹ cho đến nay, nhưng các mối đe dọa khác bắt đầu xuất hiện.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang nghiên cứu các quy tắc mới nhằm hạn chế xuất khẩu linh kiện kỹ thuật sang Trung Quốc. Những rào cản như vậy có thể làm tê liệt việc sản xuất sản phẩm Apple ở nước này. Họ cũng chưa tìm được nơi nào khác để đến. Thêm nữa, nỗ lực thành lập một cơ sở sản xuất ở Brazil đã thất bại. Các hoạt động của Ấn Độ đã tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ. Sự ràng buộc giữa Apple với Trung Quốc và virus thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Doanh số bán sản phẩm cốt lõi của Apple là iPhone cũng đang suy yếu tại Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Canalys, doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm 21% trong năm 2019, xuống còn 27,5 triệu ngay cả sau khi giảm giá, một chiến thuật mà Apple hiếm khi sử dụng.
Bán ít điện thoại hơn có nghĩa là Apple không chỉ mất doanh số mà còn làm mất doanh thu trong tương lai. Các dịch vụ đi kèm như mua hàng tại cửa hàng ứng dụng và Apple Music, hay các thiết bị đeo như AirPods và đồng hồ được thiết kế để tích hợp với thiết bị cũng chịu ảnh hưởng chung với doanh số iPhone. Mặc dù Apple vẫn có rất nhiều người dùng iPhone Trung Quốc, nhưng doanh số sụt giảm đã đặt giới hạn cho doanh thu trong tương lai.
Kết quả quý mới nhất của Apple, vào ngày 28/1 (trước khi dịch bùng phát rõ ràng), cho thấy doanh số iPhone trên toàn thế giới tăng trở lại sau một hiệu suất đáng thất vọng vào năm trước. Apple nói rằng "về cơ bản sự gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi chỉ là tạm thời". Doanh thu tăng 9% lên 91,8 tỷ USD. Doanh số phụ kiện và dịch vụ xung quanh iPhone cũng tăng theo. CEO Tim Cook cho biết Apple đã chứng kiến sự tăng trưởng hai chữ số từ việc bán iPhone, dịch vụ và thiết bị đeo ở Trung Quốc đại lục. Mặc dù một số loại sản phẩm cụ thể tăng nhanh, doanh số chung ở Trung Quốc chỉ tăng 3% trong quý, chậm hơn bất cứ nước nào ngoài Nhật Bản, nơi hiện doanh số đang giảm.
Cũng có một tia sáng ở Trung Quốc. Đó là iPhone 5G, với khả năng kết nối nhanh hơn nhiều và được cho là sẽ được bán ra vào cuối năm 2020. Nhưng liệu nó có giúp tăng doanh số bán hàng? Những gì một chiếc iPhone 5G sẽ mang cho những khách hàng Trung Quốc là chưa rõ ràng. Người tiêu dùng Trung Quốc tại các thành phố lớn đã quen với các kết nối điện thoại di động chất lượng cao. Người ta có thể thấy toàn bộ chuyến tàu điện ngầm được phát trực tuyến video độ phân giải cao khi di chuyển, điều mà ít mạng lưới của Mỹ hay châu Âu có thể xử lý được. Điện thoại được sản xuất bởi Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, tốt hoặc tốt hơn bất cứ thứ gì Apple cung cấp.
Ngay cả sự thành công của iPhone 5G cũng chỉ là một cứu cánh tạm thời. Khi hệ sinh thái công nghệ Mỹ và Trung Quốc bị "nghiền nát", Apple sẽ càng khó khăn hơn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc cũng như điều hành chuỗi cung ứng Trung Quốc một cách hiệu quả. Việc Apple là công ty lớn đầu tiên của Mỹ đưa ra dự báo sửa đổi do virus cho thấy công ty đang phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào, dù là cung và cầu. Cơ hội ở các nước khác có thể bù đắp cho một số doanh thu bị mất nhưng chắc chắn Apple sẽ gần như không thể tìm thấy một động cơ tăng trưởng mới khá mạnh mẽ như Trung Quốc.